TRAVEL

WHERE DO BROKEN HEART GO, SAGADA (Final part)

Sagada, chuyện bây giờ mới kể…

Olala…, sau cả 3 phần chia sẻ về Sagada thì hôm nay, mình quay lại với bài viết cuối về chuyến hành trình tại vùng sơn tỉnh nên thơ, đầy lãng mạn nè. Lần này, mình chỉ kể cho mọi người nghe về những trải nghiệm đáng nhớ nhất của bản thân cùng với những người chị, đứa em đã tin tưởng và đồng hành cùng mình trong suốt chặng hành trình đến miền sơn cước Sagada hùng vĩ này. Nào hãy cùng đến với những câu chuyện nhỏ về trải nghiệm chỉ có thể thực hiện ở vùng núi non điệp trùng thôi đó nha.

Cung đường Mountain trail và cốc coffee.

Chẳng là từ lúc mình sang học bên Phillipines thì lại bị nghiện coffee nơi đây, hầu hết coffee được tiêu thụ tại quốc gia ngàn đảo hay gánh bão này là loại Abrabica nên có hương thơm khá là tinh tế và vị cũng cuống hút khi thưởng thức vào những buổi sớm mai se lạnh của Baguio. Chuyện là, bọn mình bắt đầu di chuyển từ thành phố Baguio đến Sagada từ sớm tinh mơ, khi mà ông mặt trời còn ngon giấc sau những dãy núi ngút ngàn của vùng sơn tỉnh Benguet, chỉ mỗi lũ sao trời vẫn lấp lánh dõi theo suốt cả hành trình của bọn mình. Trước khi rời thành phố, mình có nhờ anh tài xế dừng lại ở 7eleven chỉ để làm 2 cốc espresso be bé mang theo thưởng thức trên đường. Chuyện chẳng có gì nếu lúc đó mình không chơi ngu lấy tiếng vào gần sáng, mình không hề biết rằng con đường từ Baguio đến Sagada vô cùng khó khăn và hiểm trở, bởi vì đây là khu vực thuộc địa hình núi non, nên đường đi uốn lượn ôm theo những con đồi, dãy núi trong toàn bộ chuyến hành trình, anh tài xế phải đánh lái liên tục để cua qua các con dốc hết lên rồi lại xuống. Thế là, chuyện gì đến cũng phải đến, mình đã trót dại chơi 1 shot espresso vào trọn cái bao tử rỗng không. Và rồi, mỗi lần đánh lái của anh tài, là một lần mình gần hơn với em “Huệ”, đây là lần đầu tiên mình được trải nghiệm mức độ buồn nôn khi đi xe đến mức gần như không thể chịu đựng nổi, và mình là đứa con trai duy nhất trong nhóm nữa cơ chứ, cũng may mắn là khi đến nơi, mình ăn ngay 1 ít bánh mua bên đường và ngồi nghỉ xíu xiu nên đã lấy lại năng lượng và tinh thần cho chuyến phiêu lưu sắp tới. Nhờ vậy mà, mình có một kỷ niệm không thể nào quên mỗi khi nghĩ về Sagada. Sau này, khi về, mình có kể cho người bạn Philippine ở Baguio, bạn ý bảo là, “Oh my gosh!!! you did not know local people call that road as a mountain trail, one of the Philippine’s deadliest highway, do you”.

Chuyện về quan tài treo, coffin và coffee.

Ở phần hai trong chuỗi series hành trình tại Sagada, mình có đề cập về việc nhóm mình khi đến vùng sơn cước đã chọn tham quan “Adventure tour” để khám phá thắng cảnh xung quanh làng, và ở Sagada này, điều nổi tiếng nhất khi nhắc đến chính là tục Sơn táng, những chiếc quan tài treo thẳng đứng trên những ngọn núi nơi đây.

Trước khi đi vào chi tiết vì sao có tục “sơn táng” tại Sagada thì chúng ta nên tìm hiểu qua về việc hình thành các phong tục xíu xiu đã. Có thể nói, ở mỗi khu vực trên quả đất này, tùy vào địa thế thiên nhiên, mà con người thích nghi, cùng với tập tục, niềm tin tín ngưỡng mà từ đó hình thành nên những nền văn hóa đa dạng. Vậy nên, tập tục về mai táng cũng từ đó mà định hình qua những điều cơ bản trên.

Đơn cử một ví dụ cụ thể rồi hãy đi đến tục sơn táng nhé, nào hãy cùng mình bay sang tận Tây Tạng để nghía qua về tục thiên táng tại các cao nguyên nơi đây xem điều mình vừa chia sẻ có hợp lý không đã rồi hẵng quay lại về tục sơn táng nè.

Có thể thấy, do địa hình đồi đá hiểm trở cũng như thời tiết khô hanh và lạnh giá quanh năm tại các cao nguyên Tây Tạng nên hầu như việc chôn cất(Thổ táng) hay thả trôi theo sông(Thủy táng) là hết sức khó khăn, chưa kể đến việc xác chết khó phân hủy trong môi trường như vậy dễ dẫn đến ô nhiễm cho cộng đồng. Vậy nên, hỏa táng và thiên táng là hai hình thức mai táng phổ biến ở các cao nguyên nơi đây. Trong đó, phải kể đến phong tục thiên táng, được rất nhiều người bản địa thực hiện. Bên cạnh điều kiện thiên nhiên, người dân nơi đây đa số có truyền thống về Phật giáo mật thừa, họ quan niệm rằng, thân thể con người hình thành từ tứ đại (đất, nước, gió, lửa), là phương tiện của con người trong kiếp sống này, khi ra đi, họ cũng nên trả lại xác thân này cho thiên nhiên, cho tứ đại. Người Tạng xem thiên táng là một nghi thức hết sức trang trọng, là sự cúng dường cuối cùng, hào phóng và rốt ráo nhất mà một người có thể thực hiện được, đó chính là hi sinh thân này làm thức ăn cho những chúng sinh đói khát, cụ thể là lũ chim kền kền, thế nên, “thiên táng” còn có tên gọi khác là “điểu táng” và chính vì hành động này sẽ đưa người đã khuất về những cõi thanh tịnh trong những kiếp sống tiếp theo.

nguồn ảnh:tywkiwdbi.blogspot.com

Hay, ví như trong truyền thống văn hóa Ấn giáo, sông Hằng là con sông vô cùng diệu linh không chỉ đối với đời vật chất mà còn đối với đời sống tâm linh của người Ấn, sau khi mất đi, nhiều người mong muốn được hòa mình trở lại vào con sông linh thiêng để thể hiện niềm tin của bản thân. Thế nên ở Ấn Độ, khi một người mất đi, ở một số lưu vực, họ sẽ thực hiện nghi lễ thả trôi (thủy táng). Ngoài ra, ở một số khu vực lại thực hiện nghi thức hỏa táng rồi rải tro người mất để hòa mình vào con sông linh thiêng ấy.

.nguồn ảnh:gettyimages.fi

Quay trở lại với quan tài treo, thế đó, đối với người dân miền núi thì cũng không ngoại lệ, phong tục này có truyền thống từ ngàn xưa, trải qua thăng trầm của thời gian, những tập tục đã ăn sâu vào tiềm thức người dân nơi đây, là văn hóa, là niềm tự hào của họ. Nơi đây, người bản địa quan niệm rằng khi mất đi, linh hồn sẽ trở về với tổ tiên, vì vậy, khi treo quan tài trên vách núi, ở vị trí càng cao sẽ càng được gần với tổ tiên của mình hơn. Bên cạnh đó, những người cao tuổi trong làng lo lắng rằng khi được chôn cất, ở vùng sơn tỉnh này với địa hình đồi núi, những cơn mưa hằng năm sẽ rửa trôi đi đất cát và thậm chí thi hài của họ, bên cạnh đó, họ còn lo lắng về sự mục rữa nhanh chóng của xác thân khi thực hiện thổ táng.

Ngoài ra, theo lời các bô lão tại Sagada thuật lại bên cạnh những quan niệm phổ biến mà mọi người thường nghe thì còn có hai nguyên do khác hình thành nên tập tục sơn táng, họ kể rằng khi chôn cất, lũ thú rừng và chó hoang sẽ đào bới và chén sạch thân thể mà họ bỏ lại. Niềm tin này thấy rõ sự đối lập trong tư tưởng với tập tục thiên táng ở Tây Tạng nè. Nguyên do thứ hai thì ly kỳ hơn hẳn, nhiều năm trước đây, ở những khu vực miền núi Kalinga và Bontoc gần đó, có những bộ lạc có truyền thống về săn đầu người, tộc người Ku ở Sagada tin rằng nếu họ mất đi, họ sợ các bộ tộc khác đến và cướp đi hộp sọ từ cơ thể người đã khuất như một chiến lợi phẩm. Đó là lý do họ phải thực hiện nghi thức an táng trên các vách núi cao để không một ai có thể chạm đến.

Khi một ai đó mất đi, nghi lễ an táng được khởi đầu tại gia đình người mất, họ sẽ đặt người chết trên một chiếc ghế gỗ có tên gọi theo phương ngữ là “Sangadil” (ghế tử thần). Sau đó, người nhà sẽ dùng dây mây rừng hoặc dây leo để buộc tử thi lại, tiếp đến, họ phủ một tấm chăn lên xác chết và đặt thi hài đối diện với cửa chính của ngôi nhà để người thân tỏ lòng thành kính. Đồng thời, trong thời gian đó, thi hài người mất được hun khói bằng một số loại cây thảo dược đặt biệt để ngăn chặn sự phân hủy và thanh tẩy đi những mùi thối rữa.

Lễ cầu siêu cho người chết được tổ chức trong một số ngày, sau đó xác chết được đưa ra khỏi ghế tử thần và chuẩn bị đưa vào quan tài. Trước khi di quan, người quá cố được cố định trong tư thế bào thai, hai chân đẩy lên về phía cằm, Người Igorot và tộc người Ku tin rằng một người nên khởi hành một hành trình mới giống như cách người đó bước vào thế giới bằng hình hài của đứa bé sơ sinh. Kế đến, thi hài được quấn lại trong một chiếc chăn và buộc bằng lá mây trong khi một nhóm nhỏ trai tráng trong làng chọn địa điểm thích hợp trên vách núi, khoét lỗ vào vách đá để đóng đinh làm giá đỡ quan tài.

Các quan tài được buộc hoặc đóng đinh vào hai bên vách đá, và hầu hết chỉ có chiều dài khoảng một mét, vì xác chết được chôn trong tư thế bào thai. Trên đường đến đó, những người đưa tang cố gắng hết sức khiêng và nắm lấy hài cốt vì họ tin rằng, những chất lỏng và máu chảy ra từ tử thi sẽ mang lại cho họ may mắn. Đồng thời, mang lại thành công và truyền lại các kỹ năng của người đã khuất cho những người tiếp xúc với người quá cố trong lễ rước tang.

Khi đoàn rước đến nơi chôn cất, các nam thanh niên khỏe mạnh sẽ trèo lên vách đá và đặt thi thể vào trong quan tài bằng gỗ rỗng ruột. Một số trường hợp, vì quan tài khá nhỏ nên họ phải bẻ gãy xương từ cơ thể người đã khuất để đưa xác chết vào, cuối cùng là sẽ được bịt kín bằng dây leo.

Dạo đó, bọn mình được hướng dẫn bởi một ông chú người bản địa rất dễ thương là chú Robert, chú ấy bảo rằng thời nay, phong tục này đã mai một ít nhiều, không còn như trước nữa, chú sợ chỉ sau vài thập niên nữa thôi, những chiếc quan tài treo này chỉ còn là một quá khứ, sẽ chẳng còn phong tục nào mang tên Sơn táng hay Hanging coffin tại Sagada nữa. Kể đến đấy, chú nghẹn giọng, lại bảo rằng khi mất đi, chú muốn thi hài chú cũng được giống tổ tiên mình, được treo ở một nơi nào đó, được trở thành một phần linh hồn, bản sắc của Sagada.

Đây là chú Rố Bệt, tour guide của bọn mình trong chuyến hành trình tại Sagada ý.

Oh, sao mà tiêu đề có đề cập coffin và coffee, thế coffin đã kể rồi thì coffee đâu. Tada, bây giờ mới đến chuyện về coffin và anh bạn coffee đây này, chuyện là ở Sagada, khí hậu khá thích hợp để trồng cà phê luôn, mà người dân lại trồng một cách khá là tự nhiên nữa, không có thành vườn, thành rẫy như ở Đà Lạt nhà mình đâu, nên chất lượng cà nơi đây khá cao nhưng sản lượng lại rất thấp. Trong quá trình bọn mình du ngoạn trong chuyến adventure tour thì đi đâu cũng được nghe kể về coffin rồi lại đi qua vài bụi rậm thì chú Robert lại chỉ chỉ bảo “cóp phin, cóp phin” làm cả bọn giật bắn người mấy lần. Ôi! ta nói, giọng địa phương của chú phát âm 2 từ coffin và coffee y như nhau, gặp cây cà nào thì lại chỉ chỉ cả nhóm về giống cây abrabica chất lượng nơi đây, còn về phần đám nhỏ thì vẫn còn đang ngây ngây trong câu chuyện quan tài, mỗi lần nghe “coffin, coffin” thì lại hỏi “đâu đâu, chú ơi, sao mà quan tài treo ở khắp nơi vầy nè.”

Hang động và những hiểm nguy

Trong bài viết trước, mình có đề cập đến việc thám hiểm hang động ở Sagada là một hoạt động không nên bỏ qua. Tuy thế, có những lưu ý đằng sau vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ ấy. Sau chuyến du ngoạn cùng đồng bọn, khi quay lại Baguio, lại là anh bạn Phil thân thương, sau khi nghe câu chuyện mình kể về chuyến hành trình tuyệt vời ông mặt trời tại vùng sơn tỉnh, thì mình được bạn ý chia sẻ rằng bọn mình còn rất ngây thơ khi xem thường mức độ hiểm nguy ở những hang động Sagada, đầu tiên là, bên dưới khu vực những dãy núi này chính là cả một hệ thống hang động, sông ngầm vô cùng chằng chịt và phức tạp, khi thám hiểm trong hang, anh hướng dẫn viên thường hay chỉ cho bọn mình về những hố nước chảy siết và không được lội qua mà phải bước sang một bên để đi, lúc đó, bọn mình cũng chẳng chú ý lắm, đến khi được người bạn bản địa ở Baguio chia sẻ là có rất nhiều hang, hốc và cả những xoáy nước nhỏ chỉ vừa đủ một người lọt qua, và những cái hang tưởng chừng vô hại ấy lại thông tận xuống các hệ thống ngầm bên dưới, và điều bất ngờ nhất đối với mình khi ấy là được nghe kể lại rằng đã từng có vài khách du lịch bị hút vào những cái hang xíu xiu đó, có người không tìm được xác, có người thì lại được tìm thấy tại các con sông ở tít tận Manila (cách đó gần 300km), điều đáng lưu tâm ở đây là, người dân địa phương rất hạn chế trong việc sử dụng thiết bị bảo hộ cho chính bản thân và khách du lịch trong quá trình thám hiểm những hang động tại Sagada. Điều này, khác hẳn so với ở Việt Nam bọn mình, nổi tiếng nhất phải kể đến Oxalis, đơn vị được trao quyền khai thác các tour thám hiểm hang động tại Quảng Bình, tại đây, ngoài các chuyên gia hướng dẫn dày dặn kinh nghiệm, thì trang thiết bị dành cho việc thám hiểm và bảo hộ vô cùng hiện đại, đặc biệt là hầu hết các thiết bị được cung cấp bởi một Brand chuyên về thiết bị bảo hộ cực kỳ nổi tiếng thế giới là “Petzl” đó nha. Nói đi cũng phải nhìn lại, cái gì cũng có cái giá của nó, bọn mình khám phá hang động gần 3 tiếng, được trải nghiệm vô vàn cung bậc cảm xúc với mỗi 200peso/người tương đương 100.000VND, trong khi những tour được trang bị full giáp tận răng như các hang động ở Quảng Bình thì ít nhất một người cũng đã là 4 triệu.

Bên cạnh việc anh tour guide dễ thương đã cho bọn mình trải nghiệm rất rất chân thực về những cảnh sắc hùng vĩ khi thám hiểm những hang động nơi đây, cùng với cảnh đẹp được gọt giũa qua hàng triệu năm, thì điều làm bọn mình rất chi là thích thú chính là ánh sáng. Nơi đây, người dân địa phương ưu tiên sử dụng chiếc đèn Măng sông để làm phương tiện chiếu sáng, nguồn sáng của chiếc đèn như một mặt trời thu nhỏ soi rọi những tia sáng vàng rực trong chiếc hang to bự tối om còn hơn cả đêm 30 tết không lấy nổi 1 ngôi sao vậy ak. Và công dụng của chiếc đèn ngoài việc chiếu rọi trong hang còn là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc chụp ảnh trong hang nữa nè. Thiệt là vi diệu và thú vị luôn đó.

Anh Hướng dẫn viên đang thổi nhiên liệu cho đèn này
Đèn đóm đã sẵn sàng phục vụ cả nhóm đứng hóng đợi selfie

Cùng với đó, người dân Sagada nói riêng và người dân Philippines nói chung đều có ý thức bảo vệ môi trường khá cao, điều mà chúng ta nên học hỏi từ nước bạn. Đơn cử một hành động nhỏ của anh tour guide hướng dẫn bọn mình trong hang động, khi anh thấy chỉ một mẫu rác nhỏ từ vỏ kẹo bị mắc tận trong hốc đá, anh đã không ngần ngại cho tay vào để moi ra cho bằng được và bỏ vào balo của mình để mang ra ngoài. Thật sự, chỉ là một hành động nhỏ nhưng đáng làm ta suy ngẫm.

Sữa chua ở Yogurt house

Mình, có lần, đã giới thiệu về một trong những món ăn nên thưởng thức khi đến vùng sơn tỉnh Sagada đó chính là Yogurt. Nói đến đây chắc hẳn mọi người sẽ rất háo hức khi chuẩn bị được nghe mình review về món ăn đáng thử nhất ở Sagada này phải không?

Nhưng không, lần này, mình sẽ lưu ý xíu xiu về món ăn dễ thương này đó. Trước hết, món này khá lạ, nếu là lần đầu tiên nếm qua, hoặc mọi người chưa từng thử qua sữa chua Hi Lạp, thì món ăn này có độ sánh, đặc khá cao cùng với đó là việc trải qua thời gian lên men dài hơn thông thường nên vị khá là chua, lại không có đường nữa cơ chứ. Bởi thế, món này ở Sagada người ta thường phục vụ kèm với trái cây, mật ong và một vài loại thực phẩm có vị ngọt khác để trung hòa vị chua của yogurt. Bé bạn mình đã bỏ nguyên cả phần sữa chua vì không thể ăn nổi mặc dù có khá nhiều mật ong làm topping luôn đó.

Lời kết

Sẽ chẳng có lời kết nếu như không có những người bạn thân yêu sẻ chia hành trình cùng mình nhỉ, bọn mình đã cùng nhau tạo nên một kỷ niệm đáng nhớ và thú vị tại Sagada. Thế nên, mình xin dành tình cảm và lời cảm ơn của mình đến Azusa san, Miyuki san, bé Uyên, bé Sona và người chị luôn say “Yes” mỗi khi thằng em nổi hứng và có kế hoạch cho những chuyến đi vào mỗi dịp cuối tuần tại Phil, chị Ching Ching thân thương.

what’s adorable smile
What’s shiny smile

Trong bài viết cuối về hành trình bọn mình khám phá Sagada, ngoài trải nghiệm bản thân, được nghe hướng dẫn từ chú tour guide Robert nhiệt tình, mình còn tham khảo thông tin hanging coffin từ web: https://www.roughguides.com/article/hanging-coffins. Và sách Tây tạng Huyền bí của tác giả Đặng Hoàng Sa về tục Điểu táng.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *