FOOD & DRINK

ROKU GIN- SỰ NHẸ NHÀNG TINH TẾ ĐẾN TỪ NHÀ SUNTORY (Part 1)

Nếu là một tín đồ của thức uống có cồn thì chắc hẳn không dưới một lần, chúng ta nghe về “Gin tonic” một loại cocktail luôn nằm trong “top of the list”, và nếu nói về gin&tonic thì không thể không nhắc đến linh hồn làm nên loại cocktail siêu kinh điển này đó chính là rượu GIN, một ông hoàng không ngai trong thế giới spirit. Bài viết này mình sẽ chia sẻ cho mọi người về một loại Gin khá là thú vị không đến từ quê hương Anh quốc mà đến từ đất nước mặt trời mọc Nhật Bản, đó chính là “ROKU”.

Khi nhắc đến Nhật Bản và rượu chúng ta liên tưởng ngay đến Sake, quốc túy của đất nước mặt trời mọc. Tuy nhiên, Nhật Bản ngày nay không chỉ có mỗi Sake, mà còn có cả các loại rượu mạnh nổi danh như Vodka, Whisky, hay Gin.

Tổng quan về Gin Roku

Roku Gin là sản phẩm rượu Gin nổi tiếng nhất của gã khổng lồ Nhật Bản–Suntory Spirits. Nếu ai đó yêu thích whisky Nhật Bản thì không còn lạ gì với ông lớn Suntory này nữa. Được tung ra thị trường vào tháng 7 năm 2017, Roku Gin đã tạo được một tiếng vang lớn trong thị trường Gin quốc tế và luôn được gợi ý là một trong những loại Gin nên có trong bộ sưu tập Gin của các tín đồ yêu mến loại rượu này.

I. Nguồn nguyên liệu bản địa 

Sở dĩ thức uống này có tên “Roku” là bởi nó có nghĩa “Sáu” (六) trong tiếng Nhật, biểu trưng cho 6 loại thảo mộc (botanicals) sinh trưởng ở Nhật Bản là nguồn nguyên liệu đặc biệt làm nên loại Gin Roku này. Nói đúng hơn thì thực ra 6 loại nguyên liệu này chỉ đến từ 4 loại thảo mộc bản địa và đại diện cho 4 mùa trong năm.

Theo anh Koji Hirashima (brand manager, global strategy department suntory spirit), thì không gì tuyệt hơn là có thể thu hoạch và chắt lọc được những nguyên liệu bản địa với chất lượng cao nhất vào đúng mùa thu hoạch của chúng (SHUN). Và hơn thế nữa, các nguyên liệu được lựa chọn làm nên loại gin này lại thể hiện được cả tinh túy của 4 mùa trong năm.

Mùa xuân, đây là mùa khởi đầu cho chu kỳ sinh trưởng, cũng là thời điểm mà hoa anh đào bắt đầu nở rộ khắp nơi sau mùa đông lạnh giá. Là mùa đầu tiên trong năm mà người ta có thể thu hoạch được lá và hoa anh đào (sakura) với chất lượng tốt nhất, và đây cũng chính là 2 nguyên liệu đầu tiên trong lục phẩm.

Đến hạ, người dân bắt đầu vào mùa vụ thu hái trà đầu tiên của năm. Ở Nhật, mùa thu hoạch trà được chia làm 4 thời điểm khởi đầu vào lúc giao mùa khi xuân chuyển dần sang hạ gọi là Ichibancha, kế đến là nibancha, sanbancha (từ giữa đến cuối mùa hè) và Shuutoubancha (vào giữa tháng 10 đến giữa tháng 11). Vào mùa thu hoạch Ichibancha, đây là thời điểm đẹp nhất trong năm có thể thu hoạch được những loại trà thượng phẩm đặc biệt là gyokuro và sencha. 2 nguyên liệu này tuy xuất thân từ một giống trà nhưng cách thức thu hoạch khác nhau dẫn đến phẩm trà của 2 loại này cũng khác nhau.

Trước hết, nói về Gyokuro (ngọc lộ) đây được xem là loại trà lá chất lượng nhất của Nhật Bản, trước khi thu hoạch khoảng độ 3 tuần người ta sẽ che phủ những cây trà bằng 1 lớp phủ râm để tránh ánh nắng mặt trời, việc làm này giúp cho việc quang hợp của lá trà giảm xuống và lượng L-theanine trong lá trà tăng cao, từ đó mang đến một sự đặc biệt cho những lá trà gyokuro, đó là chúng rất giàu vị Umami và rất chi ngọt ngào. Lại nói về sencha, không giống như các loại trà được che phủ trước khi thu hoạch, sencha thông thường được cho sinh trưởng tự nhiên dưới ánh mặt trời cho đến kỳ thu hoạch, điều này giúp cho những lá trà sencha chứa một lượng lớn vitamin C và catechin rất tốt cho sức khỏe con người khi uống trà.

Sang thu, những cây tiêu sansho cùng họ với xuyên tiêu, bắt đầu kết trái (Aoyamasho), vào thời điểm vừa giao mùa, những người nông dân sẽ tiến hành thu hoạch những trái xanh trước hết, vì những trái xanh chưa chín sẽ có vị cay nồng mạnh mẽ hơn cả. Đến giữa mùa thu thông thường thời điểm này sansho hầu như đã chín và có màu đỏ, nó sẽ tự tách hạt và vỏ ra riêng, lúc này là lúc sansho đạt mùi thơm hoàn hảo nhất.

Mùa đông lại đến để kết thúc một chu kỳ, thời gian này hầu như cây trái đều phải ngủ đông, cố gắng tích trữ năng lượng để chuẩn bị bung lụa khi mùa xuân đến, nhưng có một loại quả phải thu hái vào mùa đông thì mới đảm bảo chất lượng đạt độ chính mùi, đó chính là quả Yuzu (Thanh yên). Nếu những ai hay uống nước mật ong thanh yên của Hàn Quốc chắc hẳn sẽ biết được mùi vị quả này, quả này đặc biệt ở lớp vỏ dày và mùa đông là mùa sinh trưởng tuyệt vời để lớp vỏ dày được phát triển đầy đủ mang lại một lượng tinh dầu lớn và hương thơm đượm nhất.

Kế đó, rượu Roku được sản xuất tại “Liquor Atelier”, nhà máy chưng cất thủ công chuyên dụng cho rượu mạnh của Suntory. Tại đây, nhà máy sở hữu bốn loại tĩnh chưng cất khác nhau, nhờ thế, trong quá trình chưng cất Roku, các loại thực vật được lựa chọn chưng cất riêng biệt theo từng đặc điểm nổi bật của chúng để chiết xuất hương vị tốt nhất và duy trì các đặc tính riêng vốn có hòa vào trong từng giọt Gin của Suntory.

Chẳng hạn như, để có thể chiết xuất được trọn vẹn hương thơm tinh tế của hoa anh đào thì phải thông qua quá trình chưng cất chân không trong những nồi thép không gỉ. Trong khi đó, để bóc tách được những tầng hương vị sâu sắc từ tinh dầu của vỏ Yuzu thì phải được chưng cất trong những tĩnh đồng. Tìm hiểu thêm về sự khác nhau giữa nồi chưng cất đồng và thép không gỉ tại đây

Hương vị phức hợp nhưng hài hòa của Roku chính là kết quả của sự cảm nhận tinh tế, độc đáo từ các nghệ nhân của Suntory spirit ở Osaka được đúc kết trong sự pha trộn 14 loài thực vật chuyên biệt bao gồm: 8 loại nguyên liệu truyền thống của rượu Gin- quả bách xù (juniper berry), hạt ngò (coriander seed), hạt và rễ bạch chỉ (angelica seed & root), hạt bạch đậu khấu (cardamom seed), quế chi (cinnamon), vỏ cam đắng (bitter orange peel) và vỏ chanh (lemon peel) với 6 loại thảo mộc truyền thống của Nhật Bản để tạo nên loại rượu Gin tươi mới có tên Roku.

Cuối cùng, sau quá trình chưng cất và phối trộn, rượu được đi qua những lớp lưới lọc bằng than tre để mang đến sự mượt mà và trong trẻo.

II. Ngôn ngữ thiết kế

Bên cạnh nguồn nguyên liệu bản địa làm nên những tinh túy của Gin thì ngôn ngữ thiết kế cũng góp một phần không nhỏ vào việc quảng bá hình ảnh rất Nhật Bản mà Suntory muốn truyền tải qua sản phẩm của họ.

Label

Trước hết bàn về nhãn giấy (label), điều làm chúng ta ấn tượng đầu tiên để giúp nhận diện thương hiệu chính là tên sản phẩm, và những nhà thiết kế của Suntory đã chọn một trong những gì đơn giản nhất nhưng lại thể hiện đầy đủ những hàm ý mà nhà sản xuất muốn truyền tải, và ROKU (六) được lựa chọn. Đồng thời, để tên sản phẩm trở nên thanh thoát và sinh động, đội ngũ thiết kế đã quyết định sử dụng chữ Kanji viết theo lối thư pháp trên nền giấy Washi.

Nói về giấy Washi, lý do Suntory lựa chọn chất liệu này để truyền tải nội dung vì đây là một loại giấy nổi tiếng của Nhật Bản. Nguyên liệu làm giấy là từ vỏ của những giống cây bản địa như kozo, mitsumata hay gambi. Về giấy, nhờ độ dày, cùng với các sợi gỗ có khả năng hấp thụ mực và màu vẽ độc nhất. Ban đầu Washi thuần màu sợi gỗ nhưng khi thấm mực thì trở nên đậm màu và sẽ trở nên vô cùng sống động, sắc nét.Bên cạnh đó, Washi tạo nên cảm giác mềm mại và ấm cúng dễ chịu đối với người xem cũng như cảm giác ấm áp khi sờ vào.

Kiểu dáng

Keisuke, giám đốc thiết kế của suntory communication tin rằng, hầu hết, những loại rượu Gin đều được chứa trong chai dạng hình trụ tròn với những đường cong mềm mại, nhưng đối với Roku, Keisuke cảm nhận có một điều gì đó thôi thúc ông tạo nên những góc cạnh trên thân chai, sẽ là điều tuyệt vời hơn về những đường nét thanh thoát nhưng mạnh mẽ giống như những đường nét được sử dụng trong kiến trúc của các tòa nhà và đền thờ của Nhật Bản. Những nguyên bản truyền thống đơn giản này đã trở thành nguồn cảm hứng cho Keisuke giữ ý nghĩ về hình dáng thiết kế lục giác trong mẫu thiết kế đầu tiên của mình. Ông suy nghĩ về việc làm sao có thể đưa truyền thống hoặc các họa tiết đậm tính Nhật Bản vào trong sản phẩm, thể hiện tinh thần của những nguyên liệu bản địa một cách đầy đủ nhưng hài hòa về mặt tổng thể. Cuối cùng sau khoảng hơn 200 ý tưởng được đưa ra, Suntory team đã tán đồng trở lại với thiết kế lục giác đầu tiên, thiết kế mang trong mình tính truyền thống xen lẫn hiện đại. Đồng thời, trên 6 mặt ở thân chai là hình chạm khắc nổi của mỗi loại thực vật bản địa dùng để chưng cất nên loại rượu Gin mang tinh thần của đất nước mặt trời mọc.

Theo trưởng nhóm thiết kế, nếu như chỉ phát hành ở thị trường nội địa thì có lẽ chẳng thể có mẫu thiết kế 6 cạnh với chữ thư pháp Kanji như hiện tại. Bởi vì, có rất nhiều loại rượu trong nước khác như Shochu hay Sake cũng lựa chọn biểu đạt tên gọi trên thân chai bằng từ thư pháp Kanji. Tuy vậy, khi làm việc với nhóm marketing quốc tế, Keisuke nhận thấy rằng bằng việc hiện thức hóa những ý tưởng, trao đổi với đối tác và những nhóm phụ trách ở thị trường Phương Tây, ông tin chắc rằng ý tưởng về một sản phẩm lột tả đầy đủ những gì rất Nhật Bản sẽ được đón nhận và sẽ chinh phục được những khách hàng trên trường quốc tế. Và quả thật vây, khi tung ra thị trường 2017, Roku đã tạo nên một cú hích lớn trong thị trường rượu Gin bằng sự đón nhận từ những người yêu Gin khắp nơi. 

Vậy ý, thế là phần 1 của Gin ROKU đến đây là tạm hết rồi, mời mọi người đón xem phần 2, mình sẽ đi chi tiết về hương vị và cảm nhận cá nhân của mình về loại rượu này nhé. 

Trong bài viết này ngoài hiểu biết cá nhân, mình còn tham khảo một số nguồn từ các trang web nước ngoài đặc biệt là những video về Gin roku từ nhà Suntory. Hình ảnh sử dụng trong bài viết ngoài ảnh chụp thì có sử dụng những hình ảnh trong video từ Suntory. Bên cạnh đó, mình cũng cảm ơn bạn Wendy đã hỗ trợ dịch thuật một số thông tin từ trang web tiếng Nhật để giúp mình hoàn thành bài viết này một cách trọn vẹn.  

SUNTORY VIDEO LIST

https://www.sugimotousa.com/blog/what-are-the-harvest-seasons-of-japanese-teas-and-how-do-they-affect-quality

https://www.sugimotousa.com/gyokuro

https://www.traveldistilled.com/roku-japanese-gin-review/

https://rokugin.suntory.com/en/global/

https://vi.wikipedia.org/wiki/Giấy_washi

 

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *