MERCHANDISER

PANTONE, ĐIỀU KỲ DIỆU ĐẾN TỪ VIỆC CHUẨN HÓA MÀU SẮC

Chắc hẳn những ai hoạt động trong lĩnh vực may mặc sẽ không còn xa lạ với bảng màu Pantone. Màu Pantone ngày nay, đã trở thành hệ quy chiếu màu sắc chuẩn mực, ngôn ngữ giao tiếp chính thức trong ngành công nghiệp thiết kế toàn cầu.Trong bài viết này, hãy cùng mình tìm hiểu những điều cơ bản về bảng màu pantone cũng như tầm quan trọng của bảng màu này trong ngành dệt may nói chung và công việc merchandiser nói riêng nhé. Let’s go!!!

1. Pantone là gì ?

Thuộc tập đoàn đa quốc gia X-Rite, Pantone LLC là một cơ quan về màu sắc nổi tiếng thế giới. Với bề dày lịch sử hơn nửa thế kỷ cung cấp các sản phẩm dịch vụ và công nghệ trong lĩnh vực màu sắc, Pantone đã trở thành biểu tượng của sự chuẩn hóa về màu sắc cho vô số các nhà thiết kế trên thế giới từ lĩnh vực thời trang, nội thất cho đến đồ họa, thiết kế công nghiệp.

Pantone khởi đầu ở New York vào những năm 1950 với tư cách công ty in ấn thương mại mang tên M & J Levine Advertising. Vào năm 1956, hai anh em chuyên viên quảng cáo, người đồng sáng lập công ty, Mervin Levine và Jesse Levine đã thuê Lawrence Herbert, một sinh viên vừa tốt nghiệp trường Đại học Hofstra, làm nhân viên bán thời gian. Dựa trên những kiến thức hoá học vốn có, Herbert đã  tiến hành hệ thống và đơn giản hoá các màu có sẵn trong kho sản phẩm của công ty đồng thời đơn giản hoá quá trình in màu.

Đến năm 1962, Herbert đã giúp bộ phận in ấn và mực hoạt động có lợi nhuận, trong khi bộ phận quảng cáo thương mại của công ty lại đối mặt với khoảng nợ lên đến 50,000 USD. Cuối cùng, Herbert mua lại tài sản công nghệ của M & J Levine Advertising từ tay anh em Levine với giá 90,000 và đổi tên thành Pantone

Năm 1963, Lawrence Herbert, cha đẻ của Pantone, đã sáng tạo một hệ thống đột phá cho phép nhận diện, chuẩn hóa và giao tiếp màu sắc một cách trùng khớp, chính xác nhằm giải quyết tình trạng diễn giải sai lệch trong cộng đồng nghệ thuật đồ họa. Hệ thống của Herbert đã tạo tiền đề cho từ điển tiêu chuẩn màu đầu tiên PANTONE  MATCHING SYSTEM.

Kể từ đó, Pantone đã phát triển ý tưởng về hệ thống tiêu chuẩn để khớp màu cho hàng loạt các ngành công nghiệp mà sự chính xác về màu sắc trong từng giai đoạn (từ bước phác thảo đầu tiên trong thiết kế cho đến khâu sản xuất cuối cùng) là yếu tố sống còn như: kỹ thuật số, thời trang, sơn, nội thất, kiến trúc, thiết kế công nghiệp.

Ngày nay, hệ thống tiêu chuẩn màu The PANTONE được ngầm công nhận như một ngôn ngữ chuẩn mực và chính thức trong giao tiếp bằng màu sắc bất kể đó là với các nhà thiết kế, các nhà sản xuất, phân phối hay người tiêu dùng.

2. The Pantone Colour Matching System (PMS)

The Pantone Colour Matching System (PMS) cơ bản là một hệ thống tái tạo màu tiêu chuẩn. Bằng việc tiêu chuẩn hóa màu sắc với tên gọi bằng các mã số, các nhà sản xuất ở các địa điểm khác nhau, các khâu khác nhau đều có thể tra cứu hệ thống Pantone và chắc chắn tạo ra hiệu ứng màu trùng khớp cho sản phẩm mà không cần bất kỳ một sự liên lạc trực tiếp nào.

PMS là một không gian màu sắc độc quyền sử dụng trong một loạt các ngành công nghiệp, chủ yếu trong in ấn, hiện nay mở rộng thêm trong ngành nhuộm vải (phục vụ các thiết kế thời trang), chế tạo vật liệu nhựa cũng như sơn phun, sơn tĩnh điện trên bề mặt kim loại (phục vụ thiết kế công nghiệp). Các hướng dẫn màu Pantone đã được chấp nhận rộng rãi và được sử dụng bởi các nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà in, các nhà sản xuất, tiếp thị cũng như khách hàng trong tất cả các ngành công nghiệp trên toàn thế giới nhằm xác minh cụ thể màu sắc, đặc điểm kỹ thuật thiết kế, kiểm soát chất lượng và thông tin liên lạc.

3. Màu Pantone là gì ?

Các màu sắc đã được nghiên cứu, tiêu chuẩn hóa với các thông số kỹ thuật trong pha chế, được đánh mã số cụ thể và đưa vào hệ thống PMS, là màu Pantone.

Người trong giới in ấn thường định nghĩa màu Pantone là màu pha, hay màu thứ 5. Bởi lẽ, màu Pantone đã được tiêu chuẩn hóa với đặc điểm kỹ thuật rõ ràng, có thể coi như màu pha sẵn.
Các màu tạo ra từ việc nhà in pha trộn từ các màu CMYK (là 4 màu cơ bản trong in ấn). Quá trình CMYK là một phương pháp in màu chỉ sử dụng bốn loại mực là: Cyan (màu xanh lơ hoặc cánh chả), Magenta (màu cánh sen hoặc hồng sẫm), Yellow (màu vàng), Key (trong tiếng Anh là “then chốt” hay “chủ yếu” để ám chỉ màu đen mặc dù màu này có tên tiếng Anh là black do chữ B đã được sử dụng để chỉ màu xanh lam (blue) trong mô hình màu RGB). Phần lớn những sản phẩm in ấn trên thế giới đều sử dụng quá trình CMYK, và có một lượng ít những màu đặc biệt của Pantone có thể được tái tạo nhờ bốn loại mực của CMYK

Trong tên gọi các màu Pantone, bên cạnh mã số riêng thể hiện sắc độ, đi sau các số thường có thêm các chữ cái C,M,U nhằm thể hiện chính xác hiệu ứng màu thay đổi trên từng chất liệu giấy in. C (coated – giấy có lớp tráng phủ như giấy Couche), U (Uncoated – không tráng, như giấy Fort) và M (matte – mờ).

4. Các dòng sản phẩm chính của Pantone

Graphic: Là dòng sản phẩm cho ngành in ấn, thiết kế bao bì, thiết kế đồ họa.

Fashion and Home: Là dòng sản phẩm dành cho ngành thời trang, dệt nhuộm vải, thuộc da.

Industry: Là dòng sản phẩm cho kim loại và nhựa.

5. Phân loại các bộ mã Pantone

A. Theo vật liệu tạo mẫu

Dựa vào chất liệu làm nên những mẫu Pantone mà nhà sản xuất chia sản phẩm thành hai dạng tra cứu khác nhau: Pantone TPX (màu tra cứu được in trên chất liệu giấy, phục vụ ngành in ấn) và Pantone TCX (mẫu tra cứu trên chất liệu vải cotton, phục vụ ngành nhuộm vải cho các thiết kế thời trang, nội thất)

  • Pantone TPX

Được làm bằng giấy (P=Paper), sản phẩm có dạng xòe hình cánh quạt và loại có hình dạng như một cuốn tự điển, có khổ giấy cỡ A4. Loại Pantone này khá phổ biến trong lĩnh vực Apparel, các nhà máy và xưởng sản xuất đa số sử dụng loại này nhằm đối chiếu màu sắc.

Lọai TPX xòe hình cánh quạt thường có tên gọi là Pantone Color Guide.

Lọai TPX có dạng hình quyển sách thường có tên gọi là Pantone Color Specifier.

  • Pantone TCX

Pantone TCX được làm bằng vải (C=Cotton), đây là sản phẩm chuyên dùng so sánh màu sắc trên chất liệu vải, sản phẩm có hình dạng như một quyển tự điển , có kích thước gần giống tờ giấy A4. Pantone TCX bao gồm 2 kích cỡ nhỏ và lớn.

Pantone TCX nhỏ thường có tên gọi Pantone Cotton Passport, kích thước nhỏ hơn khổ giấy A4. Được làm từ chất liệu cotton nên có độ so sánh màu sắc chính xác hơn so với sản phẩm được làm bằng giấy. (loại này thường được các Specialist Merchandiser mang theo bên mình vì dễ dàng mang theo khi đi công tác tại nhà máy hay xưởng sản xuất).

Pantone TCX lớn có tên gọi là Pantone Cotton Planner, kích thước to gần bằng tờ giấy A4, bên trong chứa nhiều mẫu màu bằng vải có kèm theo mã số màu được đánh số theo quy định của Pantone.

B. Theo mục đích sử dụng

Có 2 loại Pantone CMYK hay Pantone Color Bridge (bộ chuẩn màu sắc để thiết kế trên các phần mềm đồ họa) và Pantone Formula Guide (có các công thức pha mực dành cho xưởng sản xuất, in ấn).

Tada, vậy là chúng ta đã sơ lược một cách cơ bản về màu Pantone trong lĩnh vực Apparel rồi nè. Hi vọng qua bài viết này. Những bạn đã, đang và chuẩn bị bước vào lĩnh vực Merchandiser sẽ có môt cái nhìn tổng quan hơn về bảng màu mà chúng ta sử dụng để đối chiếu, tra cứu màu hằng ngày nhé. 

Bên cạnh đó, hằng năm Pantone vẫn luôn tung ra thị trường một vài màu gọi là “Color of the year”. Đây là một trong những thông tin khá quan trọng đối với những bạn PD hoặc Marketing trong quá trình phát triển sản phẩm trong lĩnh vực Apparel. 

Màu sắc chủ đạo trong năm 2019 là màu “Living Coral/16-1546”. Wait!!!Kiểm tra lại tủ đồ của mình xem các bạn có đang sở hữu vật dụng nào mang màu sắc của năm không nhé 😆.

Trong bài viết này, mình chỉ tập trung vào một số điểm chính yếu và hữu ích trong lĩnh vưc Apparel nên sẽ còn một vài thông tin như cách thức pha màu hay một vài loại Pantone sử dụng trong lĩnh vực đồ họa thì mình không đề cập hoặc sẽ không đi quá chi tiết.

Bài viết có tham khảo từ nguồn wikipedia.org và designs.vn.
15-4312TCX…

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *