
2019 – NHỮNG VỊ “THẦY” VÀ THẾ GIỚI QUAN RỘNG MỞ
Thực, ban đầu mình cũng chẳng dám đặt tay vào để hoàn thành bài viết này. Bởi lẽ, lo lắng về sự hiểu không thấu đáo và hạn định của bản thân, cuối cùng cũng quyết định hoàn thành những dòng này trên tinh thần chia sẻ và học hỏi😊. Trong bài này, mình muốn chia sẻ đến mọi người những vị “thầy” đã thực sự mang đến cho bản thân mình nhiều góc nhìn hoàn toàn mới về cuộc sống và thế giới.
Đa phần những nhân vật mình muốn đề cập đều có những bài giảng trên Youtube, cũng đồng thời là tác giả của những quyển sách giá trị. Mình cảm thấy khá may mắn khi được biết đến những vị giáo sư khả kính và mình xin được gọi họ là “Thầy”. Bởi lẽ, sẽ không có ngôn từ nào phù hợp hơn để diễn đạt sự kính trọng của bản thân dành cho họ. Những người đã mở ra những điều tuyệt vời về thế giới dưới một góc độ hoàn toàn khác những gì chúng ta thường tri giác và hạn định về nó.
Giáo sư Michael J. Sandel
Người đầu tiên mình muốn đề cập chính là giáo sư Michael J. Sandel, nhân vật cực kỳ nổi tiếng với tuyển tập bài giảng về triết học và công lý tại đại học Harvard.
Ông là giáo sư ngành triết học chính trị, nổi tiếng với môn Công lý vì thu hút số sinh viên kỷ lục, hơn 10.000 người học trong hai thập niên. Cách tiếp cận vấn đề của giáo sư trong các bài giảng cũng như đưa đến những tình huống tưởng chừng như chỉ xảy ra trong lý thuyết lại cực kỳ ảnh hưởng đến cách thức phản ứng của các cá nhân trong cộng đồng, đồng thời đặt ra những vấn đề cho những nhà làm luật cũng như chính trị gia trong bối cảnh toàn cầu hóa trong những thập niên gần đây.
Ông luôn bắt đầu bài giảng của mình bằng ví dụ kinh điển “xe điện đứt phanh” (Trolley Problem, một tình huống giả định được nghĩ ra bởi Phillippa Foot). Nhờ tình huống giả định này, Prof. Sandel luôn đưa đến cho những sinh viên của mình về cách thức liệu bản thân họ có thực sự là một công dân “tốt” hay dựa vào đâu mà trong mỗi tình huống chúng ta có thể đưa ra những quyết định khác nhau mặc dù chỉ có một kết cục như nhau.
Thực sự, những câu hỏi từ bài giảng của ông luôn dẫn dắt đến những câu trả lời không thực sự thỏa đáng đối với những người được hỏi cũng như chính những người nghe. Vậy, đâu là điều đúng đắn mà những cá nhân trong cộng đồng có thể phản ứng trước những tình huống mà chúng ta thực sự phải thốt lên rằng: “Justice! What is the right thing to do”.
Dưới đây mình xin gợi ý một số bài giảng của Prof. Sandel
Chuỗi bài giảng về Justice tại Harvard
Đối thoại với sinh viên tại nhà thờ thánh St.Paul
Ted talk: nghệ thuật đã mất của việc tranh luận dân chủ
Giả định tình huống xe điện đứt phanh dành cho những ai chưa rõ về tình huống nổi tiếng này.
Sư Bhikkhu Bodhi
Tỳ kheo Bodhi là một vị tu sĩ người Mỹ theo truyền thống Phật giáo Thượng Tọa bộ (Theravada Buddhist). Xuất thân là một tiến sĩ triết học, nhưng sư lại hướng sự quan tâm của mình đến phật giáo, trong một lần đến thư viện, sư đã bị cuốn hút bởi một số tác phẩm phật giáo bằng anh ngữ (Introduction to Zen Buddhism và series The teachings of the compassionate Buddha). Tại thời điểm ấy, Tỳ Kheo Bodhi đã thốt lên rằng:“I felt the kind of immediate resonance with Buddhism”.
Năm 1972, sau khi hoàn tất học vị Tiến sĩ Triết học tại Đại học Claremont Graduate School, sư du hành đến Sri-Lanka(Tích Lan), thọ giới sa-di và trở thành một tu sĩ Phật Giáo. Điều làm bản thân mình ấn tượng nhất chính là trong suốt gần 30 năm sinh sống và tu tập tại Tích Lan, sư đã biên, phiên dịch nhiều tác phẩm phật học có giá trị từ bản chính văn là văn tự Pali sang Anh ngữ, đều đáng trân quý hơn cả là những tác phẩm này với độ dài lên đến hàng ngàn trang trong đó có những quyển đạt đến gần 2000 trang.
Sư có khá nhiều bài giảng hay, gần gũi bên cạnh đó sư cũng thường diễn giải một số từ ngữ thường hay bị hiểu lầm từ chính văn sang Anh ngữ.
Dưới đây là câu nói sư hay sử dụng trong các buổi học mà sư giảng dạy:
In this world everything changes except good deeds and bad deeds; these follow you as the shadow follows the body. – Bhikkhu Bodhi
Nhà báo Robert Wright
Robert Wright là một ký giả người Mỹ chuyên viết về những chủ đề như khoa học, lịch sử và cả tôn giáo. Đây là nhân vât mà mình nhận thấy rằng ông luôn giữ được vẻ “ Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Ông khá nổi tiếng với chuỗi bài đối thoại cùng các học giả và giáo sư trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tôn giáo. Trong chuỗi vấn đáp và thảo luận, ông luôn cho chúng ta thấy được sự uyên sâu đôi lúc cũng có phần hơi lém lỉnh(Tricky questions) đối với các học giả khác.😆
Bên cạnh công việc của một ký giả, bản thân ông cũng là một giảng viên tại đại học danh giá Princeton University and the University of Pennsylvania. Đồng thời, ông còn là một tác giả với những quyển sách thiên về nhận thức, tâm lý học cũng như quan điểm về tôn giáo. Nổi tiếng nhất phải kể đến chính là tác phẩm “Why Buddhism is True”. Trong đó, Wright tập trung vào khoa học, triết học về thiền trong đạo Phật và rũ bỏ đi những niềm tin siêu hình.
MeaningofLife.tv là trang Web ông chia sẻ về những đoạn đối thoại của mình với các học giả.
Giáo sư Massimo Pigliucci
Nhân vật cuối cùng mình muốn chia sẻ chính là giáo sư người Ý, Massimo Pigliucci. Chắc hẳn, những ai theo trường phái triết học thực hành, chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism) thì sẽ không còn xa lạ với giáo sư Massimo. Xuất thân là giảng viên chuyên về sinh học và sau này là triết học, ông được thế giới biết đến nhiều hơn qua những bài giảng và sách về chủ nghĩa khắc kỷ trong thế giới hiện đại.
Thật vậy, nếu những ai đang băn khoăn về một phương pháp thực hành lối sống tối giản, phát triển bản thân về kiến thức cũng như tinh thần và cách ứng phó với ngoại tác như thế nào thì lối sống theo một Stoic chính là một phương pháp thực hành mà các bạn nên xem qua.
Tình cờ, vào năm 2019 mình có quen một người bạn Philippines cũng thực hành theo chủ nghĩa khắc kỷ và bạn ấy có chia sẻ cho mình một vài thông tin khá thú vị về trường phái triết học thực hành này. Sau đó, khi tìm hiểu về chủ nghĩa khắc kỷ thì mình may mắn có đọc được chuỗi series bài viết của một anh tác giả người Việt đang thực hành theo con đường của một khắc kỷ gia đó là anh Andy Lương, một cây viết rất cừ trong cộng động Spiderum đó nha. Dành cho những ai quan tâm và mong muốn có cái nhìn tổng quan hơn về Stoicism Bài viết tiếng việt của một tác giả đang thực hành stoicism
Dưới đây, mình xin gợi ý một số bài viết và nói của Prof. Massimo cho mọi người cùng tham khảo:
Ted talk: stoicism as a philosophy for an ordinary life
blog để trở thành một nhà khắc kỷ
Blog chính của Prof.Massimopigliucci
Tóm lại, trên đây là những người, những vị “Thầy” đã ảnh hưởng tích cực đến suy nghĩ, thế giới quan của bản thân mình trong năm 2019. Vậy, còn mọi người, đâu là những Influencer đã giúp các bạn trưởng thành hơn trong năm qua, hãy chia sẻ cùng mình nhé…

